Đại dịch Covid-19 được ví như cơn cuồng phong mà các doanh nghiệp Việt Nam như rừng cây đang kỳ phát triển. Gió bão thổi qua nhiều cây lớn, cây bé đổ rạp, ngay cả đại thụ cũng lung lay. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được xem như là “phao cứu sinh”, là “ánh sáng cuối đường hầm” - xu hướng không thể đảo ngược để doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Chuyển đổi số - “phao cứu sinh” vượt khó
Khảo sát mới của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy trong diễn biến phức tạp của dịch, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn chiếm 11%; số lượng doanh nghiệp khó khăn, cần hỗ trợ chiếm 45%. Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) khảo sát nhanh hơn 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, đã có gần 80.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường từ đầu năm đến nay. Những thống kê trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi số doanh nghiệp “chết lâm sàng”, phá sản, phải sa thải lao động, dừng hoạt động ngày một nhiều khi diễn biến của dịch vẫn hết sức khó lường.Cơn cuồng phong Covid-19 chưa biết bao giờ ngừng, doanh nghiệp làm thế nào để thích ứng, sống sót và vượt lên, tìm cơ trong nguy?
Các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng hình thức làm việc tại nhà, họp hành và giao việc đều chuyển đổi sang online. Những thay đổi rất nhanh đến mức nhiều người chưa kịp gọi tên, thật ra chính là câu chuyện đã được nói rất nhiều thời gian gần đây: Chuyển đổi số.
Chuyển đổi số được xem như là “phao cứu sinh”, là “ánh sáng cuối đường hầm” - xu hướng không thể đảo ngược để doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch. Vậy chuyển đổi số là gì?
Theo cách hiểu phổ biến nhất, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao...
“Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dễ bị tổn thương và chậm chuyển đổi nên họ phải dùng đến “đòn bẩy số” để “vá lại các vết thương”, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ.
Với ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh: “Dịch Covid-19 có nhiều yếu tố tiêu cực tới doanh nghiệp Việt Nam và chỉ có một yếu tố tích cực là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số”.
Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng.
“Quả ngọt” giữa đại dịch
Giữa thời đại 4.0 thay đổi chóng mặt, không phải “cá lớn nuốt cá bé mà cá nhanh nuốt cá chậm”, chuyển đổi số không chấp nhận sự lừng khừng, nửa vời, trì trệ. “Chuyển đổi số hay là chết”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBOSSES Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn VNPT nhấn mạnh. Theo ông Hòa, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số“cần làm ngay và không ngần ngại”.Với tinh thần đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào chuyển đổi số giữa đại dịch. Nhưng đây là một việc mới, chưa có tiền lệ, vậy phải bắt đầu như thế nào? Ông Phương Trầm, Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của Tập đoàn FPT chia sẻ: “Có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự”.
“... rào cản lớn nhất để chuyển đổi số không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo...”
Bà Lâm Thị Kiều Oanh, người sáng lập Twitter Beans Coffee cho biết: “Với doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi thì việc đầu tiên cần phải làm rõ mục tiêu của doanh nghiệp, bài toán quản trị muốn giải là gì? Từ đó mới dùng nền tảng phù hợp. Tiếp đó là yếu tố con người khi đưa nền tảng vào sử dụng bởi họ phải biết được ứng dụng nền tảng sẽ đem lại lợi ích gì để người lao động cùng đồng hành”. Twitter Beans Coffee đã nhanh chóng xác định rõ mục tiêu, bài toán quản trị và chọn nền tảng công nghệ phù hợp. Nhờ đó họ nhận thấy hành vi mua sắm của khách hàng đã thay đổi nên sớm ra mắt sản phẩm cafe đóng chai. Chỉ mất 7 ngày để ra mắt sản phẩm mới thay vì mất cả tháng như trước đây, nhờ thế mà chúng tôi thích ứng nhanh chóng với đại dịch.
Công ty cổ phần Thái Bình Dương-Hà Nội hoạt động đa ngành vốn quen với kiểu làm việc truyền thống, thường xuyên dùng văn bản giấy tờ và bàn giao công việc trực tiếp. Nhưng đợt dịch lần thứ tư đã khiến cho mô hình này bị đứt đoạn. Đứng trước nguy cơ có thể phải ngừng hoạt động, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc đã quyết định chuyển đổi số. Tất cả công ty làm việc qua mạng, mọi giao dịch bằng giấy tờ giờ chuyển sang online, thanh toán với khách hàng cũng qua nền tảng ví điện tử. Cứ tưởng chỉ mới dò dẫm làm quen, không ngờ hiệu quả mang lại còn lớn hơn cách làm việc truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Nhờ chuyển đổi số, công ty tôi tiết kiệm được thời gian đi lại, tiết kiệm giấy tờ, mực in, tiền điện nước nhưng hiệu suất công việc lại tăng lên nhiều, tránh được sự đứt gãy vì dịch Covid-19. Đây là kết quả bước đầu để chúng tôi quyết liệt chuyển đổi số hơn nữa để bước sang một phương thức làm việc mới”.
Công ty cổ phần Đất Việt kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ cung cấp thiết bị gia đình và dịch vụ xây dựng gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, dẫn đến nguy cơ mất nguồn khách hàng truyền thống. Công ty này quyết định chuyển đổi số. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Tổng Giám đốc chia sẻ: “Chúng tôi áp dụng chuyển đổi số để tạo ra trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho khách hàng. Họ có thể xem kỹ sản phẩm từ mọi góc độ qua mạng mà không cần đến trực tiếp ở cửa hàng, từ đó có thể đưa ra quyết định mua sắm mà không phải băn khoăn nhiều. Chúng tôi cũng thu thập được các dữ liệu về sự thay đổi trong thói quen mua sắm và sở thích của khách hàng, nhờ thế mà kịp thời đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp. Chuyển đổi số giúp công ty chúng tôi vẫn tăng doanh số trong đại dịch, cắt giảm nhiều chi phí”.
Ông Trần Văn Viển - đồng sáng lập, Giám đốc khu vực phía nam của Base.vn, đơn vị hiện đang cung cấp phần mềm quản trị cho gần 5.000 doanh nghiệp khách hàng chia sẻ: “Theo quan điểm cá nhân tôi, để thực hiện chuyển đổi số thì nên bắt đầu từ chính nhu cầu nội tại của doanh nghiệp thay vì những thúc ép từ phía bên ngoài. Kể cả việc lựa chọn công cụ, chúng tôi vẫn thường nói với khách hàng rằng, nó nên bắt nguồn từ chính nỗi đau mà doanh nghiệp gặp phải, thay vì một trào lưu của xã hội hoặc sự hoảng loạn trước tình hình dịch bệnh như hiện nay”.
Những rào cản trên hành trình chuyển đổi số
Theo số liệu thống kê do Bộ Công thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành đối với gần 2.700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 thì có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc; 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu nhập cuộc. Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết: Cả nước hiện mới chỉ có 15% doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển đổi số, còn hơn 70% doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số và phản ứng thụ động với thay đổi của thị trường.Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam nhưng trình độ khoa học, công nghệ còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Nhưng rào cản lớn nhất để chuyển đổi số không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty MISA - chuyên triển khai ứng dụng công nghệ số tại doanh nghiệp: “Trong quá trình triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ cho gần 250.000 doanh nghiệp, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm hành động của các lãnh đạo doanh nghiệp”.
Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay nghe nhiều, nói nhiều về chuyển đổi số nhưng hành động thì rất ít. Tham gia hội nghị, hội thảo về lĩnh vực này quá nhiều nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp ít có chuyển biến. Họ thường trì hoãn việc chuyển đổi số vì mấy lý do: hiện tại đang ổn; còn lúng túng, không biết làm thế nào; không sẵn sàng thay đổi (hoặc sợ thay đổi).
Chính vì thế, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT cho rằng thách thức đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số là tư duy của người lãnh đạo, làm thế nào để họ hiểu chuyển đổi số không phải chỉ là mua 1-2 phần mềm mà là hành trình dài, liên tục đổi mới. Theo ông Việt Anh, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số: Chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, thiếu sự cam kết và kiên trì từ lãnh đạo, thiếu thông tin về công nghệ số, hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính. Chuyển đổi sốphải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng là yếu tố công nghệ.
“Việc chuyển sang nền tảng số đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi về con người - nhưng thay đổi mang tính đột biến đó khiến doanh nghiệp ngợp.”
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần Đất Việt cho rằng nhiều doanh nghiệp ngại chuyển đổi số bởi sự hạn chế về tài chính, yếu kém trong việc quản trị. Bộ máy của họ vẫn vận hành theo mô hình cũ, cồng kềnh, phức tạp, việc chuyển đổi số trở nên khó khăn hơn vì không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Công ty Đất Việt cũng từng lâm vào bi kịch thiếu kỹ năng, thiếu nguồn tài nguyên cần thiết, công nghệ lạc hậu không đáp ứng được nền tảng số. Việc chuyển sang nền tảng số đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi về con người - nhưng thay đổi mang tính đột biến đó khiến doanh nghiệp ngợp. Trong đó, sự chuyển đổi về con người là quan trọng nhất. Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp cần tạo ra một hệ sinh thái thống nhất. Tại đó phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa con người, phần mềm, hệ thống và công nghệ. Cho nên, việc chuyển đổi số cũng cần kèm theo sự phát triển năng lực của lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu về chuyển đổi số sẽ dẫn đến tình trạng như ông Lương Long Hiệp, Giám đốc Công ty thực phẩm 2030 chia sẻ: “Tôi muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh nhưng khi gặp các nhà cung cấp giải pháp được nghe quá nhiều thuật ngữ chuyên môn. Vì không hiểu họ nói gì nên tôi không dám chi tiền. Họ không bán được hàng, tôi cũng không giải quyết được vấn đề của mình”.
PGS,TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 tạo ra cú huých mạnh nhưng chỉ là cộng hưởng chứ không phải nền tảng của chuyển đổi số. Rồi Covid-19 sẽ qua, nếu cứ trông chờ Covid-19 để chuyển đổi số thì sẽ phải trả giá đắt. Theo ông Thiên, chuyển đổi số cần yếu tố nhân lực, cơ sở dữ liệu và thể chế. Thể chế, chính sách là yếu tố mang tính quyết định chứ không phải là công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.
Theo THIÊN THANH – HẠNH MINH – KHÁNH HÀ, Báo Nhân dân hàng tháng